Blue Diamond

Công ty cổ phần Kim Cương Xanh (Blue Diamond) được thành lập vào ngày 08 tháng 08 năm 2008 hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuyên cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản, dịch vụ quản lý kỹ thuật, môi giới bất động sản và các dịch khác, phục vụ nhu cầu cuộc sống của Quý khách hàng.

Author Archives: Trinh Nguyen

Những vấn đề về hội nghị nhà chung cư mà bạn cần biết

Hiện nay, chung cư là một loại hình đang được khá nhiều người lựa chọn. Một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của cư dân cùng với ban quản lý chính là hội nghị nhà chung cư. Hãy cùng Blue Diamond  tìm hiểu kỹ hơn về hội nghị này qua bài viết sau đây nhé!

1. Hội nghị tòa nhà chung cư là gì?

Hội nghị tòa chung cư là một cuộc họp giữa chủ sở hữu và những cư dân đang sinh sống ở chung cư. Tại hội nghị này, mọi người sẽ thảo luận về những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động của tòa chung cư.

Hội nghị nhà chung cư được chia thành 3 hình thức như sau:

  • Hội nghị lần đầu: tiến hành trong vòng 12 tháng, kể từ ngày chung cư chính thức đi vào hoạt động và đã hoàn thành bàn giao ít nhất 50% số căn hộ của tòa nhà.
  • Hội nghị thường niên: tổ chức hằng năm khi có ít nhất 30% đại diện căn hộ đã nhận bàn giao tham dự hoặc có số lượng ít hơn do các chủ sở hữu thống nhất.
  • Hội nghị bất thường: được tổ chức khi có thay đổi về mặt nhân sự hoặc các chi phí dịch vụ được điều chỉnh.

2. Những người được tham dự hội nghị tòa nhà chung cư

2.1. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu

Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 02/2016/TT-BXD, trong trường hợp này, những người tham gia vào hội nghị nhà chung cư gồm:

  • Đại diện chủ sở hữu chung cư
  • Người sử dụng căn hộ chung cư
  • Đại diện Ủy ban nhân dân cấp phường

2.2. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

Khoản 2 Điều 16 Thông tư 02/2016/TT-BXD và Khoản 4 Điều 3 Thông tư 28/2016/TT-BXD quy định như sau:

– Đối với hội nghị lần đầu, thành phần tham gia sẽ bao gồm:

  • Đại diện chủ đầu tư
  • Đại diện căn hộ đã bàn giao
  • Đại diện Ủy ban nhân dân phường.

– Đối với hội nghị thường niên hoặc bất thường, thành phần tham dự sẽ gồm có:

  • Đại diện chủ đầu tư
  • Đại diện căn hộ đã bàn giao
  • Đại diện đơn vị quản lý tòa nhà
  • Đại diện Ủy ban nhân dân phường.

3. Hội nghị nhà chung cư được tổ chức theo quy trình nào?

Hội nghị tòa chung cư sẽ được tiến hành theo quy trình như sau:

  • Xác định thành phần tham dự

Đây là một bước cực kỳ quan trọng, giúp cho hội nghị có thể diễn ra thành công. Người chủ trì hội nghị cần phải lập một danh sách tham dự chi tiết để tránh trường hợp số lượng không đạt yêu cầu.

  • Ban quản lý tòa nhà triển khai nội dung công tác

Các báo cáo, tổng kết nhiệm kỳ trước và công tác của nhiệm kỳ sau cần phải chính xác và ngắn gọn để những người tham gia có thể dễ dàng nắm bắt.

  • Nhận những góp ý của cư dân

Mọi cư dân tham gia hội nghị đều có quyền phát biểu. Những ý kiến này sẽ được ban quản lý tòa nhà giải đáp và ghi chép lại cụ thể.

Cư dân đóng góp ý kiến khi tham gia hội nghị tòa nhà

  • Tổng kết lại nội dung

Ban quản lý tòa nhà tổng kết lại chương trình và bế mạc hội nghị.

4. Những vấn đề được quyết định trong hội nghị nhà chung cư

Hội nghị tòa nhà được tổ chức để đưa ra các quyết định chính như sau:

  • Bãi miễn hoặc chọn ban quản lý tòa nhà.
  • Sửa đổi, bổ sung các nội quy hoạt động của tòa nhà chung cư
  • Lựa chọn các đơn vị bảo trì cho tòa nhà chung cư.
  • Báo cáo các hoạt động, chi phí vận hành, kinh phí bảo trì tòa nhà…
  • Quyết định các nội dung khác liên quan đến việc vận hành tòa nhà.

Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp ở trên sẽ giúp bạn giải đáp được các thắc mắc liên quan đến hội nghị nhà chung cư. 

 

Vào mùa nắng nóng, trước khi bật điều hoà mọi người cần phải làm việc này đầu tiên để đảm bảo sức khoẻ và tiết kiệm điện

Điều hoà hiện là đồ điện lạnh được sử dụng phổ biến trong các hộ gia đình. Thế nhưng, phần lớn mọi người chỉ bật điều hoà vào mùa hè nắng nóng, các mùa còn lại hầu như không mấy khi sử dụng.

Theo các chuyên gia điện máy, điều hòa nên được vệ sinh 2-3 tháng một lần. Song, rất nhiều người sau cả năm trời sử dụng cũng không hề mở thiết bị ra để kiểm tra lưới lọc. Sau một thời gian dài không sử dụng (mùa đông và mùa xuân), điều hoà bị tích những lớp bụi rất dày. Tuy nhiên, thấy thiết bị vẫn hoạt động ổn định, gió mát và làm lạnh nhanh người dùng vẫn không hề hay biết, do đó khi trời nắng nóng cứ thể bật điều hoà để làm mát sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Bởi, khi bật điều hòa trở lại, theo vòng tuần hoàn, nấm mốc, vi khuẩn tích trong điều hoà lâu ngày sẽ được thổi ra theo luồng khí lạnh. Lúc đó, nếu hít vào cơ thể, người sử dụng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.

Đáng chú ý, ở phần màng lọc máy lạnh – bộ phận quan trọng thường được ví như “lá phổi xanh” vì có tác dụng thanh lọc không khí, bắt giữ các vi khuẩn, bụi bẩn, trả lại cho căn phòng của bạn một bầu không gian trong lành, sạch khuẩn. Tuy vậy, màng lọc bị bám rất nhiều bụi bẩn sau thời gian ngừng hoạt động, khiến khả năng lọc không khí của máy lạnh bị suy yếu đi rất nhiều.

Lúc này, màng lọc sẽ trở thành một ổ vi khuẩn chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt với người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Không chỉ vậy, việc quá nhiều bụi bẩn bám vào khiến cho máy điều hoà không thể đáp ứng được nhu cầu làm lạnh cho căn phòng ngay cả khi tiêu tốn nhiều điện năng để làm lạnh hết công suất. Kéo theo, hoá đơn tiền điện sẽ tăng chóng mặt.

Thế nên, các chuyên gia điện máy khuyến cáo, sau một thời gian dài không sử dụng, trước khi mở điều hoà trở lại, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh điều hoà, đặc biệt là bộ phần lưới lọc ở dàn lạnh. Công việc này có thể gọi thợ hoặc tự làm.

Để vệ sinh lưới lọc không khí, trước hết cần tháo rời ra khỏi dàn lạnh rồi đem đi phun nước rửa sạch; sau đó, làm khô lưới lọc trước khi lắp lại. Cần lưu ý, lưới lọc dễ bám bụi nên trong quá trình sử dụng cần vệ sinh định kỳ khoảng 15 ngày/lần.

Tương tự, nếu có đủ đồ nghề, người sử dụng cũng có thể tự vệ sinh toàn bộ máy điều hoà. Khi làm, cần ngắt nguồn điện để đảo bảo an toàn, tránh sự cố chập điện, hở điện,… Sau đó, tiến hành kiểm tra tình trạng bên ngoài của máy điều hòa, kiểm tra cẩn thận dàn nóng và dàn lạnh xem có gì bất thường không. Ngoài ra, cần kiểm tra kỹ các điểm nối điện xem chúng có đạt yêu cầu về độ an toàn không, nếu cảm thấy không an toàn thì hãy siết chặt lại ngay sau khi kiểm tra xong hết các bộ phận khác.

Vấn đề quan trọng nhất là vệ sinh dàn lạnh. Theo đó, phải vệ sinh bằng cách dùng bơm áp lực phun nước trực tiếp vào dàn lạnh, phun từ từ lên dàn và quạt dàn lạnh đến khi thấy hết bẩn. Có thể dùng các chất tẩy rửa chuyên dụng để làm sạch bụi bẩn và khử mùi hôi. Sau đó, bạn làm khô dàn lạnh rồi lắp lại đúng vị trí.

Với dàn nóng, bạn cũng dùng vòi bơm tăng áp xịt nước để làm sạch. Song, trước khi xịt nước có thể dùng một chiếc tuốc-nơ-vít dài để cố định cánh quạt dàn nóng để xịt rửa dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể xịt nước vào mặt trước dàn nóng nhưng không xịt nước vào phần mô tơ quạt cục nóng.

Vệ sinh xong, cần chạy thử điều hòa rồi quan sát xem máy có tiếng kêu của động cơ, tiếng va đập, có mùi hôi không,… Nếu máy chạy êm, làm mát nhanh, không có dấu hiệu bị chảy nước là bạn đã vệ sinh thành công mà không tốn tiền gọi thợ; đồng thời, giúp điều hòa hoạt động ổn định, tiết kiệm điện hơn.

Khi vệ sinh máy điều hòa tại nhà cần lưu ý: tránh sử dụng lực phun nước mạnh ở gần vị trí có bảng mạch (vị trí của nó nằm ở phía trên máy nén) vì có thể ảnh hưởng đến bo mạch; tuyệt đối không được để phần Outdoor tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hay dầm mưa. Đối với máy xài van, không thể kín tuyệt đối nên cho phép xì ở mức giới hạn và khi kiểm tra cần chú ý tình trạng đường ống và van có bị rò rỉ không để hạn chế tình trạng quá nhiệt, gây hỏng dây.

 

Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại dự án Tulip năm 2021

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội. Để thực hiện tốt, Ban Quản lý Blue Diamond tại chung cư Tulip đã mời toàn thể cư dân cùng đội ngũ nhân viên của Ban Quản lý để tham gia diễn tập phương án chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. 

Hướng dẫn các kiến thức về an toàn PCCC tại chung cư Tulip năm 2021

Sáng ngày 27/11/2021, buổi diễn tập đã được diễn ra với sự phối hợp của Ban quản lý Công ty Blue Diamond cùng với cán bộ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận 7 tại Chung cư Tulip đã tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn gồm các hoạt động như:

  • Tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về an toàn PCCC.
  • Cách thức sử dụng bình chữa cháy.
  • Thao tác, diễn tập cứu hộ và di chuyển tải sản ra khỏi khu vực
  • Triển khai đội hình, nhanh chóng dùng vòi phun nước dập tắt đám cháy.
  • Tổng kết chia sẻ kinh nghiệm buổi diễn tập.

 

Diễn tập PCCC & CNCH tại Chung cư Tulip năm 2021

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên BQL Blue Diamond tại Chung cư Tulip sẽ không điều động xe chữa cháy chuyên dụng của Cảnh sát PCCC đến trong buổi diễn tập mà chỉ thực hiện diễn tập nội bộ với sự hướng dẫn và giám sát của Cảnh sát PCCC.

 

Cách tính phí bảo trì căn hộ chung cư không phải ai cũng biết

Hiện nay, khi mua căn hộ chung cư mọi người thường chỉ quan tâm đến vị trí, giá cả và tiện ích xung quanh. Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ nhặt nhưng cũng gây ra nhiều phiền toái mà ít người quan tâm là phí bảo trì chung cư.

Vậy phí bảo trì căn hộ chung cư là gì? Tại sao phải đóng phí bảo trì? Cách tính phí bảo trì căn hộ chung cư như thế nào?,… Nếu bạn đang tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên, hãy tham khảo ngay bài viết sau đây của Blue Diamond

1. Lý do cần nộp phí bảo trì căn hộ chung cư?

Theo quy định tại Điều 108 Luật Nhà ở 2014: “Phí bảo trì chung cư là kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu”.

Sau một thời gian sử dụng, chung cư có thể xuống cấp cơ sở vật chất, cần được tu sửa, nâng cấp hoặc thay mới. Do đó, việc bảo trì chung cư là rất cần thiết để giảm thiểu các thiệt hại về người và của. 

Các hạng mục chung cư cần phải bảo trì thường là các công trình sử dụng chung. Bao gồm: Điện, nước, hành lang, lối đi chung, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hầm để xe,…

Từ đây, chủ đầu tư sẽ thành lập Quỹ bảo trì để duy trì kinh phí thực hiện các hạng mục trên. Qũy bảo trì này do Ban quản trị chung cư quản lý và được gửi tại Ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

Qũy được xây dựng để phục vụ công tác bảo trì các hạng mục công trình thuộc phần sử dụng chung. Thông qua các hoạt động sửa chữa, thay mới các cơ sở vật chất đã cũ, bảo trì định kỳ,…

2. Phí bảo trì căn hộ chung cư phải nộp khi nào?

Phí bảo trì được đóng trước khi bàn giao căn hộ chung cư hoặc khi ngân sách đã cạn. Chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến từng hộ dân sinh sống tiếp tục đóng phí bảo trì.

Thông thường, phí bảo trì chung cư nằm cố định trong 2% giá trị mỗi căn hộ sau giao dịch. Trước khi đưa ra quyết định yêu cầu đóng phí, chủ đầu tư họp cư dân lấy ý kiến.

3. Cách tính phí bảo trì căn hộ chung cư

Theo Điều 108 Luật Nhà ở 2014, phi bảo trì chung cư được tính khoản 2% giá trị căn hộ, được quy định rõ trong hợp đồng mua bán/cho thuê.

Đối với diện tích chủ đầu tư không bán (không tính diện tích thuộc phần sử dụng chung của người mua). Chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị của phần diện tích, được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của tòa chung cư đó.

Ngoài ra, trong vòng 07 ngày kể từ khi thu phí từ người mua căn hộ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển quỹ đó vào tài khoản tiết kiệm của tổ chức tín dụng.

Sau 07 ngày kể từ khi thành lập Ban Quản trị chung cư. Chủ đầu tư có nghĩa vụ bàn giao Qũy bảo trì đó (cả gốc lẫn lãi) đến Ban Quản trị chung cư. 

Ban quản trị có trách nhiệm sử dụng và quản lý kinh phí theo đúng hạng mục được liệt kê minh bạch, cụ thể, rõ ràng trong văn bản.

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì. UBND tỉnh có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật, 

Theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Kinh phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì các hạng mục, phần diện tích thuộc sở hữu chung gồm:

  • Phần diện tích còn lại của nhà chung cư, ngoài phần diện tích bên trong căn hộ hoặc trong nhà chung cư. Được công nhận là nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư, sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà ở.
  • Bảo trì các thiết bị thuộc phần sử dụng chung của nhà chung cư. Bao gồm: Máy phát điện, thang máy, máy bơm nước, hệ thống cấp điện chiếu sáng, điện sinh hoạt. Cùng các thiết bị điện, hệ thống gas, phòng cháy, chữa cháy, cấp, thoát nước, cột thu lôi,…
  • Bảo trì hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nằm trong khuôn viên dự án nhà ở chung cư. Gồm các công trình công cộng như: Vườn hoa, sân chung, công viên, đài phun nước,…
  • Các hạng mục khác của chung cư thuộc quyền sử dụng chung của người mua. Được căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ hoặc theo quy định của pháp luật.

Đối với báo cáo hội nghị chung cư lần đầu, chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì để báo cáo hội nghị. 

Đối với hội nghị nhà chung cư các lần tiếp theo, chủ đầu tư có thể giao cho Ban Quản trị nhà chung cư. Ban Quản trị nhà chung cư có trách nhiệm phối hợp với đơn vị vận hành, lập kế hoạch bảo trì để báo cáo hội nghị nhà chung cư.

Trên đây là toàn bộ những kiến thức xoay quanh phí bảo trì chung cư và cách tính phí bảo trì căn hộ chung cư. Nếu bạn thấy đây là những thông tin hữu ích, đừng quên tiếp tục theo dõi chúng tôi để có thêm nhiều tư vấn hiệu quả.

 

5 Lưu ý khi làm hợp đồng thuê nhà cho người nước ngoài

1. Điều kiện bên thuê và bên cho thuê nhà

Theo Điều 119 Luật Nhà ở 2014 quy định về điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở như sau:

+ Bên cho thuê nhà ở phải là chủ sở hữu nhà ở, hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền để thực hiện giao dịch. Nếu bên cho thuê là cá nhân, phải có đầy đủ năng lực dân sự để giao dịch theo quy định của Luật Dân sự. Nếu là tổ chức, phải có đủ tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức cho tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa.

+ Bên thuê nhà ở là cá nhân nước ngoài thì phải có đủ năng lực dân sự để giao dịch theo quy định của luật pháp Việt Nam. Phải thuộc đối tượng được thuê, sở hữu nhà ở tại Việt Nam, và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú, thường trú tại nhà ở đang thuê.

Theo điều 131, 132, 133 Luật nhà ở, đối tượng thuê nhà là người nước ngoài được quy định như sau:  

– Người thuê là cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép vào Việt Nam có thời hạn từ 03 tháng liên tục trở lên.

– Nếu bên thuê là cá nhân người Việt Nam định cư tại nước ngoài, phải thuộc diện được thuê, sở hữu nhà ở theo quy định của luật pháp Việt Nam.

– Nếu bên thuê là tổ chức thì phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Điều kiện nhà thuê

Theo Khoản 1 và Khoản 3 Điều 118 Luật nhà ở năm 2014, nhà cho thuê phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.

– Không thuộc diện đang bị khiếu nại, tranh chấp, khởi kiện về quyền sở hữu và nhà ở vẫn đang trong thời hạn sử dựng.

– Không bị kê biên để thi hành án.

– Nhà ở không nằm đất quy hoạch đã có quyết định thu hồi, có thông báo phá dỡ, giải tỏa của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

– Bảo đảm chất lượng công trình, có đầy đủ hệ thống điện, nước, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh khu vực.

3. Đăng ký các thủ tục cần thiết

Bước 1: Đăng ký kinh doanh

Hồ sơ gồm: 

+Sổ đỏ hoặc hợp đồng mua bán nhà.

+ Giấy CMND/CCCD của chủ hộ.

Bước 2: Nộp thuế môn bài và kê khai mã số thuế căn hộ

Hồ sơ gồm: 

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

+ Tờ khai mã số thuế và tờ khai thuế môn bài (theo mẫu).

Bước 3: Đăng ký an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy tại Phòng an ninh trật tự công an quận

Hồ sơ gồm: 

+ Bản khai lý lịch chủ hộ, đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sơ đồ chi tiết mặt bằng cơ sở.

+ Đơn đề nghị kiểm tra điều kiện về phòng cháy chữa cháy, cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

+ Bản thống kê phương tiện phòng cháy chữa cháy.

+ Văn bản thẩm duyệt thiết kế nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Bước 4: Khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại công an phường

Hồ sơ gồm: 

+ Phiếu khai báo tạm trú.

+ Hợp đồng thuê nhà.

+ Hộ chiếu còn thời hạn.

+ Giấy phép tạm trú hợp pháp ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên.

+ Giấy đăng ký an ninh trật tự.

+  Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

+ Sổ đỏ hoặc hợp đồng cho thuê nhà .

+ CMND của chủ nhà.

4. Hợp đồng cho thuê nhà

Hợp đồng cho thuê nhà đối với người nước ngoài cần lưu ý một số điều khoản sau:

– Hợp đồng thuê nhà cần được công chứng nếu thời hạn thuê trên 06 tháng. Trừ trường hợp bên cho thuê nhà là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở, hoặc hợp đồng thuê nhà dưới 06 tháng sẽ không cần công chứng.

– Hợp đồng thuê nhà không được sử dụng ngoại tệ. Mọi đơn vị tiền tệ trong hợp đồng thuê nhà phải được quy đổi sang Việt Nam đồng. Các hợp đồng thuê nhà sử dụng đơn vị ngoại tệ khác đều bị vô hiệu hoá trước pháp luật khi xảy ra tranh chấp, rủi ro.

5. Các loại thuế cho thuê nhà

Khi ký kết hợp đồng thuê nhà dành cho người nước ngoài, chủ nhà phải lưu ý những loại thuế phải nộp. Bởi hợp đồng thuê nhà với người nước ngoài bị xét vào diện hoạt động kinh doanh, nên phải kê khai nộp các loại thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài,…theo quy định.

Trong đó thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ cho thuê nhà và văn phòng là 10%. Thuế thu nhập cá nhân tính theo lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ sản xuất, kinh doanh, tiền lương, tiền công, thù lao. 

Thu nhập tính thuế trên 5 triệu/ tháng nộp 5%, từ 5-10 triệu/ tháng nộp 10%.  Từ 10-18 triệu nộp 15%, từ 18-32 triệu nộp 20%, từ 32-52 triệu/ tháng nộp 25%. Từ 52-80 triệu/ tháng nộp 30%, trên 80 triệu/ tháng nộp 35%.

Trên đây là toàn bộ những kiến thức cần biết khi làm hợp đồng thuê nhà cho người nước ngoài. Nếu bạn thấy đây là những thông tin hữu ích, đừng quên tiếp tục theo dõi Blue Diamond để có thêm nhiều tư vấn hiệu quả.