Blue Diamond

Công ty cổ phần Kim Cương Xanh (Blue Diamond) được thành lập vào ngày 08 tháng 08 năm 2008 hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuyên cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản, dịch vụ quản lý kỹ thuật, môi giới bất động sản và các dịch khác, phục vụ nhu cầu cuộc sống của Quý khách hàng.

Category Archives: Kinh nghiệm quản lý tòa nhà

Những nguyên nhân dễ làm cháy nổ ở chung cư

Cháy từ những hành động nhỏ, vô ý như ném gạt tàn thuốc xuống bãi cỏ, qua ban công rơi xuống tầng dưới gặp vật dễ cháy, hay do bất cẩn trong sử dụng điện sinh hoạt, ý thức chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy

Diễn tập PCCC – Cứu nạn cứu hộ tại chung cư Hoàng anh Gold House. Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, TP.HCM trải qua những ngày nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời luôn duy trì ở mức cao. Chính vì vậy mà nguy cơ cháy nổ có thể tiềm ẩn xảy ra ở bất cứ đâu, đặc biệt là tại các khu chung cư, nhà cao tầng. Do vậy mà mỗi người cần trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng để ứng phó khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Những nguyên nhân dễ làm cháy nổ chung cư

  • Do chập điện, sự cố máy móc, thiết bị trong các tòa nhà dễ dẫn đến cháy nổ. Hiện tượng chập mạch điện không phải là điều hiếm thấy. Đặc biệt, ở các khu chung cư cao tầng, điện được lắp mạch ngầm nên việc phát hiện ra rò rỉ, sự cố khó khăn. Nếu như điện bị chập mạch và gặp các vật dễ cháy, bắt lửa thì đám cháy sẽ bùng phát rất nhanh.
  • Do nhiều căn hầm thuộc các khu chung cư là nơi lắp đặt các bốt điện, dàn tản nhiệt điều hòa, nếu xảy ra tình trạng chập cháy, hàng trăm chiếc xe máy chứa đầy xăng sẽ có nguy cơ cháy nổ.
  • Phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn công trình được xây dựng không phù hợp với đặc điểm thực tế của tòa nhà; nhiều cơ sở không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn định kỳ theo quy định. Không phổ biến, hướng dẫn người dân sống trong tòa nhà các biện pháp thoát nạn khi sự cố xảy ra.
  • Do các hộ gia đình thường bố trí vật dụng sinh hoạt trên lối thoát nạn như thang bộ, cửa đi…làm tăng mức độ nguy hiểm khi có cháy xảy ra, làm ảnh hưởng đến công tác tự thoát nạn, cứu nạn và cứu hộ. Đồng thời, những vật dụng bén lửa như rèm cửa, đồ gỗ… trang trí thường được các hộ gia đình sử dụng.
  • Hiện phần lớn các gia đình dùng gas để đun nấu và 1 số hành động bất cẩn như: Không khóa van bình gas sau khi đun, quên tắt bếp gas, sử dụng các chai chứa gas và các phụ kiện không đảm bảo chất lượng… có thể khiến cho “thần hỏa” đến tìm.
  • Cháy từ những hành động nhỏ, vô ý như ném gạt tàn thuốc xuống bãi cỏ hay do bất cẩn trong sử dụng điện sinh hoạt, ý thức chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Tăng cường phòng chống cháy nổ trong chung cư

Vừa qua ngày 24/3/2022, tại Chung cư Tulip – Ban quản lý Blue Diamond đã tổ chức huấn luyện diễn tập PCCC nội bộ nhằm trang bị các kiến thức về thiết bị PCCC trong tòa nhà, cũng như triển khai phương án chữa cháy – cứu hộ nếu xảy ra sự cố.

Một số hình ảnh thực tế tại buổi diễn tập:

Để đảm bảo an toàn chung, Ban quản lý của Công ty Blue Diamond thường xuyên tổ chức diễn tập PCCC định kỳ cho cán bộ nhân viên đang làm việc tại Chung cư để trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng có thể ứng phó khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Ngoài ra, các cư dân cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng cháy chữa cháy và không được chủ quan với các nguyên nhân gây ra cháy nêu trên. Bởi lẽ chỉ cần một bất cẩn nhỏ thôi cũng đủ để gây ra một đám cháy nghiêm trọng. Hãy nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại chính nơi mình sinh sống.

 

Đơn vị quản lý vận hành – Yếu tố then chốt làm tăng giá trị chung cư

Hiện nay với xu thế thị trường nhà ở tại Việt Nam đang phát triển mạnh cùng với sự xuất hiện của các siêu đô thị có dân số khổng lồ, vai trò và trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành càng trở thành tâm điểm. Một dự án thu hút dân cư và chứng kiến sự gia tăng giá trị theo thời gian luôn đi đôi với chất lượng quản lý vận hành tốt.

Tại sao vận hành tốt giúp gia tăng giá trị dự án?

Ngày nay, nhiều khách hàng mua căn hộ tại các khu chung cư hay khu đô thị không chỉ chấm điểm dự án qua vị trí, chất lượng công trình, các tiện ích kèm theo mà còn đặc biệt chú ý tới chất lượng dịch vụ quản lý vận hành.

Dù là mục đích an cư, nghỉ dưỡng hay đầu tư thì những dự án được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín và được vận hành bởi đơn vị quản lý chuyên nghiệp luôn là những yếu tố tiên quyết cần xem xét bởi nó góp phần khẳng định đẳng cấp, chất lượng dự án, đây cũng là điểm quan trọng để chủ đầu tư tiến hành các chương trình tiếp thị bán hàng.

Trên thực tế, khi việc quản lý và vận hành chuyên nghiệp ngày càng được người mua nhà xem trọng sẽ kéo theo đó là các doanh nghiệp phát triển dự án cũng tập trung đầu tư hơn vào việc duy trì bộ máy vận hành chất lượng cho các công trình của mình.

Dự án Oriental Plaza

Đối với một dự án thu hút dân cư và chứng kiến sự gia tăng giá trị bất động sản theo thời gian, tất yếu có sự quản lý vận hành tốt. Điều này quyết định đến mức độ hài lòng, thôi thúc họ gắn bó lâu dài với nơi mình sống, từ đó hình thành nên cộng đồng dân cư bền vững cũng như nâng tầm giá trị. Vậy làm sao để đảm bảo an toàn cho cuộc sống cho tất cả các cư dân?

Chú trọng trong công tác quản lý

Đội ngũ bảo vệ, đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống

Vấn đề an ninh trong tòa nhà luôn được đơn vị quản lý vận hành chú trọng, đây là công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho cư dân, khách hàng sử dụng tòa nhà. Công tác này thường bao gồm việc bố trí nhân sự và triển khai kế hoạch giám sát người ra vào tòa nhà, ra vào bãi xe, trông coi tài sản và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, quản lý an ninh còn thể hiện ở các mặt như kiểm soát hàng hóa, vận chuyển đồ đạc ra vào, giải quyết và xử lý các mâu thuẫn… nhằm bảo vệ tốt tài sản và tính mạng cho cư dân.

Đội ngũ bảo vệ tại dự án Ricca

Công tác vệ sinh

Để mang lại môi trường sống và không gian xanh – sạch – đẹp thì vệ sinh là công tác không thể thiếu trong quản lý vận hành tòa nhà. Thông thường các hoạt động vệ sinh các không gian chung như hành lang, cầu thang, tiền sảnh, nhà vệ sinh công cộng,… sẽ được diễn ra hàng ngày. Trong khi đó, việc tổng vệ sinh cải tạo cảnh quan sẽ được thực hiện định kỳ theo tháng hoặc quý. Thời gian cụ thể sẽ phụ thuộc vào đặc trưng các hạng mục của công trình.

Dọn dẹp vệ sinh tại dự án Oriental Plaza

 Quy trình quản lý hệ thống kỹ thuật an toàn trong tòa nhà 

Quản lý vận hành không chỉ là bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh, thu phí mà còn là việc bảo trì, hỗ trợ phía sau, liên quan tới máy móc và thiết bị tại dự án. Các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp khi trực tiếp điều hành sẽ nắm cách thức vận hành và chủ động lên lịch bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị chuyên dụng này nhằm đảm bảo chất lượng vận hành tốt nhất.

Nếu bảo trì không cẩn thận, các rủi ro rất dễ xảy ra, máy móc thiết bị cũng sớm hỏng hóc trở lại. Bảo trì sai sót thì cũng có thể gây thiệt hại. Vậy nên dịch vụ bảo trì phải đảm bảo tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác từng phần bị hỏng hay từng chỗ hư hại.

 

Nhân viên kỹ thuật làm việc tại dự án

Chăm sóc và quản lý khách hàng

Mọi cư dân sống trong chung cư cần phải được chăm sóc và giải quyết những yêu cầu phát sinh trong quá trình sinh sống, ban quản lý phải có trách nhiệm mang đến sự hài lòng và đặt lợi ích của toà nhà lên hàng đầu.

Lễ tân chăm sóc cư dân tại dự án Ricca

Công tác chăm sóc và quản lý khách hàng không chỉ giúp khách hàng, cư dân có trải nghiệm chất lượng dịch vụ tốt hơn mà còn nâng cao uy tín của chủ đầu tư. Khi các vấn đề kiến nghị được giải quyết hợp lý và nhanh chóng, khách hàng và cư dân sẽ có thêm niềm tin, sự tín nhiệm với chủ đầu tư. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của chủ đầu tư trong các dự án tiếp theo.

Chuyên nghiệp trong kiểm soát và tối ưu tài chính

Tính minh bạch trong việc kiểm soát tài chính là yếu tố then chốt để quản lý chuyên nghiệp, tránh các tranh chấp, kiện cáo cũng như ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tham nhũng.

Đối với đơn vị dịch vụ quản lý vận hành bất động sản chuyên nghiệp, quá trình quản lý phải được lập kế hoạch rõ ràng và hiệu quả, giúp chủ đầu tư/ ban quản lý kiểm soát dòng tiền trong quá trình vận hành tòa nhà.

Mang đến nhiều tiện ích cho cư dân bằng việc áp dụng công nghệ 4.0

Hiện nay, đối với các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp sẽ có xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa và minh bạch chi phí vận hành tòa nhà, từ đó góp phần tránh được những xung đột liên quan giữa các bên.

Điển hình với nhiều dự án mà Blue Diamond đang quản lý, việc triển khai và áp dụng ứng dụng công nghệ quản lý tòa nhà như VNPT BMIS sẽ đưa ra nhiều giải pháp tổng thể giúp tiết kiệm tối đa chi phí nhân sự và thời gian quản lý nghiệp vụ tài chính, kế toán tòa nhà, thanh toán phí online,… nhằm nâng cao trải nghiệm sống cho cư dân và cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ quản lý vận hành.

Phần mềm VNPT BMIS trên điện thoại

Với đơn vị được chứng nhận quản lý tòa nhà chuyên nghiệp như Blue Diamond, chắc chắn đội ngũ phục vụ công tác sẽ giúp nâng cao hiệu quả khai thác tòa nhà chung cư, đem đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho cư dân, mà còn giúp chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong quá trình quản lý. Không chỉ vậy, hình thức này còn hỗ trợ không nhỏ đến việc nâng cao tuổi thọ của tòa nhà, kéo dài thời gian khai thác cũng như khẳng định vị trí tên tuổi của chủ đầu tư trong thị trường bất động sản. Với phương châm “Quản lý tận tâm – Nâng tầm giá trị”, Blue Điamond luôn đề cao tiêu chí đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu với hy vọng sẽ luôn giữ vững vai trò là “người quản gia” đáng tin cậy trong lòng cư dân.

 

#quanlytoanha  #dichvuquanlyvanhanhtoanhachuyennghiep  #PropertyManagement #quanlybatdongsan #quanlychungcu 

#quản lý vận hành chuyên nghiệp 

 

 

Hội nghị nhà chung cư được tổ chức như thế nào ?

Trong những năm gần đây, nhiều người lựa chọn chung cư là nơi để an cư lập nghiệp của mình ở những thành phố lớn. Nhà chung cư được xem là xã hội thu nhỏ, chính vì vậy cần phải có những quy định, quy tắc ứng xử chung để mọi người tuân theo trong quá trình sinh sống tại đây. Vậy nên, hội nghị nhà chung cư được tổ chức để đáp ứng những yêu cầu đó. 

Vậy Hội nghị nhà chung cư là gì ?

Hội nghị nhà chung cư là cuộc họp của chủ sở hữu và người sử dụng tòa nhà chung cư. Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có thể cử đại diện hoặc uỷ quyền cho người khác tham dự cuộc họp. Hội nghị được tổ chức để đưa ra các quyết định một số vấn đề như sau:

  • Đề cử, ứng cử hoặc bãi nhiệm các thành viên thuộc Ban Quản trị tòa nhà;
  • Thông qua hay bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động của Ban Quản trị hoặc sửa đổi Bảng nội quy vận hành sử dụng nhà chung cư;
  • Thông qua báo cáo công tác điều hành, bảo trì và báo cáo tài chính của tất cả những công ty được giao thực hiện;
  • Quyết định một số nội dung khác.

3 hình thức tổ chức Hội nghị nhà chung cư

Hội nghị nhà chung cư lần đầu

Đây là buổi gặp gỡ, họp mặt đầu tiên của các cư dân sinh sống trong tòa chung cư. Chương trình hội nghị nhà chung cư lần đầu được tổ chức trong vòng 12 tháng kể từ ngày khu chung cư đó chính thức bàn giao cũng như đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, hội nghị nhà chung cư lần đầu chỉ có thể tổ chức khi chủ đầu tư bàn giao tối thiểu 50% số căn hộ trong toàn bộ tòa nhà. Trong trường hợp vượt quy định 12 tháng mà vẫn chưa đủ số lượng bàn giao theo quy định, hội nghị nhà chung cư lần đầu sẽ được lùi lại đến khi đạt đủ con số 50%.

Hội nghị nhà chung cư bất thường

Hình thức hội nghị nhà chung cư này được tổ chức khi có những thay đổi đột ngột về mặt nhân sự trong Ban Quản trị tòa nhà. Mặt khác, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường còn liên quan tới vấn đề thay đổi đơn vị quản lý vận hành hoặc điều chỉnh chi phí các dịch vụ.

Hội nghị nhà chung cư thường niên

Hội nghị nhà chung cư thường niên được tổ chức mỗi năm một lần khi có tối thiểu 30% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự hoặc có số lượng ít hơn do các chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất.

Thành phần tham dự và việc biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư

Thành phần tham dự đối với nhà chung cư, cụm nhà chung cư có một chủ sở hữu 

Đối với nhà chung cư, cụm nhà chung cư có một chủ sở hữu thì thành phần tham dự hội nghị nhà chung cư bao gồm đại diện chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và mời đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà chung cư tham dự.

Thành phần tham dự đối với nhà chung cư, cụm nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

Đối với nhà chung cư, cụm nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì thành phần tham dự hội nghị nhà chung cư được quy định như sau:

  •  Trường hợp tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì thành phần tham dự bao gồm đại diện chủ đầu tư, đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao, đại diện đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư (nếu có) và mời đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã;
  •  Trường hợp tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường và hội nghị nhà chung cư thường niên thì thành phần tham dự bao gồm đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao, đại diện chủ đầu tư (nếu chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư), đại diện đơn vị quản lý vận hành (nếu nhà chung cư phải thuê đơn vị quản lý vận hành) và mời đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã.
  • Mỗi chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư chỉ được ủy quyền cho một người đang sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư đó tham dự hội nghị nhà chung cư

Các quy định về việc biểu quyết tại hội nhà chung cư
  •  Quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1 m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 01 phiếu biểu quyết.
  •  Chủ sở hữu căn hộ hoặc chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư được ủy quyền cho chủ sở hữu khác trong nhà chung cư đó hoặc người đang sử dụng nhà chung cư đó tham dự họp và thay mặt chủ sở hữu biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư.
  • Đối với các căn hộ thuộc sở hữu nhà nước (bao gồm cả đối với căn hộ chưa có người sử dụng và căn hộ đã có người sử dụng) thì cơ quan đại diện chủ sở hữu dự họp và thực hiện quyền biểu quyết. Trường hợp các căn hộ đang có người sử dụng mà cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền cho người sử dụng tham gia dự họp thì người sử dụng căn hộ tham dự họp và thực hiện biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư đối với phần diện tích căn hộ đang sử dụng.
  •  Mọi quyết định của hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được thông qua theo nguyên tắc đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu; nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các thành viên chủ trì và thư ký cuộc họp hội nghị nhà chung cư.

Hướng dẫn quy trình tổ chức hội nghị nhà chung cư 

  • Lên kế hoạch và chuẩn bị nội dung tổ chức hội nghị nhà chung cư
  • Thông báo thời gian, địa điểm của buổi họp cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, chính quyền địa phương.
  • Kiểm tra thành phần tham dự hội nghị
  • Triển khai nội dung công tác nhiệm kỳ từ Ban quản lý tòa nhà
  • Tiếp thu những ý kiến đóng góp của cư dân
  • Tổ chức biểu quyết
  • Tổng kết và bế mạc

Trong công tác chuẩn bị Hội nghị nhà chung cư, Ban Quản lý cần phải nắm rõ các thông tin về nội quy, cách vận hành của nhà chung cư, các nhiệm vụ về hành chính, điều phối, giám sát quản lý vận hành dự án. Ngoài ra, cũng cần thông báo tới cư dân về những thông tin quan trọng về Hội nghị. Bởi vậy, với Blue Diamond việc nắm rõ các điều kiện, quy định và quy chế trong việc tổ chức là một trong những điều bắt buộc với mỗi Ban quản lý, đây cũng chính là yếu tố để có thể tổ chức một hội nghị thành công.

http://kimcuongxanh.com/ban-quan-ly-toa-nha-thong-tin-tu-a-den-z-ban-can-biet/

#quanlytoanha #dichvuquanlyvanhanhtoanhachuyennghiep #PropertyManagement #quanlybatdongsan #quanlychungcu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hướng dẫn nối dây điện an toàn, đúng kỹ thuật ngay tại nhà

Biết cách nối dây điện sẽ giúp bạn có thể tự chỉnh sửa một số thiết bị điện đơn giản. Ngoài ra, đấu nối dây điện đúng kỹ thuật giúp đảm bảo an toàn về điện, giảm thiểu các nguy cơ cháy nổ. Hãy cùng Blue Diamond xem các cách nối dây điện an toàn, đúng kỹ thuật ngay tại nhà nhé!

1. Đấu nối dây điện là gì?

Đấu nối dây điện là kỹ thuật mắc nối các sợi dây điện lại với nhau tạo thành sự liên kết chắc chắn và đảm bảo an toàn về điện. Đấu nối dây điện thường được sử dụng khi thi công lắp đặt hệ thống điện trong gia đình.

Đấu nối dây điện thường được sử dụng khi thi công lắp đặt hệ thống điện

Việc này đòi hỏi phải tuân theo những yêu cầu về kỹ thuật và quy tắc cơ bản như lựa chọn tiết diện dây phù hợp, mối nối phải chắc chắn và không bị đứt gãy, được bọc vỏ cách điện an toàn, lõi điện sạch,… để hệ thống điện được vận hành một cách hiệu quả.

Đấu nối dây điện đúng kỹ thuật ngoài mang lại tính thẩm mỹ cao còn tránh được việc dây không bị rò rỉ điện, làm các thiết bị điện trong nhà hoạt động chậm hơn bình thường hoặc thậm chí hư hỏng. Bên cạnh đó, việc rò rỉ điện sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của các thành viên trong gia đình.

Đấu nối dây điện đúng kỹ thuật vừa mang tính thẩm mỹ vừa an toàn cho người sử dụng

 2. Chuẩn bị dụng cụ để đấu nối dây điện

Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết dưới đây để đảm bảo an toàn và đúng kỹ thuật cho việc đấu nối dây điện nhé:

  • Dao hoặc kìm tuốt vỏ dây điện
  • Băng keo cách điện
  • Bút thử điện
  • Đồng hồ vạn năng
  • Dụng cụ cách điện như găng tay cách điện, ủng cao su, ván cách điện
  • Hộp nối dây hoặc các thiết bị cần nối dây vào, tua vít, ốc vít,…

Dùng băng keo cách điện để bọc mối nối, đảm bảo cách điện an toàn cho người dùng

3. Cách đấu nối các loại mối nối thông dụng

Đối với tất cả các loại mối nối, bước đầu tiên bạn cần tuốt vỏ cách điện sao cho không được cắt vào phần lõi dây dẫn và làm sạch chúng.

Mối nối thẳng

Chúng ta có thể thực hiện trên 2 loại dây là dây dẫn lõi một sợi và dây dẫn lõi nhiều sợi.

– Dây dẫn lõi 1 sợi

Mối nối thẳng dây dẫn lõi 1 sợi

  • Đầu tiên, bạn cần đặt hai lõi dây song song nhau, sau đó uốn gập phần lõi vuông góc và móc chúng lại với nhau. Tiếp theo, bạn xoắn một đầu lõi của dây này sang lõi dây kia và tiếp tục làm ngược lại.
  • Bạn cần quấn mỗi bên khoảng 5 – 6 vòng, sau đó dùng kìm để kẹp hai đầu của vòng ngoài cùng lại và vặn xoắn chúng để siết chặt các mối nối hơn.
  • Cuối cùng bạn cần kiểm tra các mối nối có chắc chắn chưa và tiến hành dùng keo cách điện quấn phần lõi dây vừa nối lại.

– Dây dẫn lõi nhiều sợi

Mối nối thẳng dây dẫn lõi nhiều sợi

  • Sau khi tuốt lớp vỏ của 2 sợi dây dẫn, bạn cần làm sạch phần lõi và tách những sợi lõi nhỏ xòe ra.
  • Tiếp theo, bạn đan xen chúng lại với nhau và tiến hành vặn xoắn lần lượt từng bên ngược chiều nhau khoảng 4 – 5 vòng thật chắc chắn.
  • Hãy kiểm tra lại lần cuối và đảm bảo chúng được lồng chặt vào nhau trước khi bọc keo cách điện.

Mối nối phân nhánh

Mối nối phân nhánh hay còn gọi là mối nối chữ T, kiểu mối nối này cũng có thể áp dụng với dây dẫn lõi 1 sợi và dây dẫn lõi nhiều sợi. Trước khi nối, bạn cần dùng kìm tuốt để bóc lớp bọc cách điện của một đầu dây nhánh. Sợi dây chính còn lại bóc lớp vỏ ở giữa dây tầm 5 – 6cm.

– Dây dẫn lõi 1 sợi

Mối nối phân nhánh dây dẫn lỗi 1 sợi

  • Sau khi bóc vỏ cách điện, bạn đặt 2 phần lõi dây dẫn thành hình dấu cộng (+) và xoắn ngược đầu lõi dây nhánh từ sau ra trước.
  • Sau đó bạn quấn ngược lại vòng qua phía sau lõi dây nhánh và tiếp tục dùng kìm xoắn chặt lõi dây nhánh vào lõi dây chính từ 6 – 7 vòng.
  • Bước cuối cùng, bạn kiểm tra lại mối nối và quấn keo cách điện.

– Dây dẫn lõi nhiều sợi

Mối nối phân nhánh dây dẫn lỗi nhiều sợi

  • Đầu tiên bạn chia các sợi lõi của dây nhánh thành 2 phần bằng nhau. Sau đó đặt phần lõi dây chính vào giữa.
  • Kế tiếp, xoắn lần lượt từng phần của dây nhánh lên sợi dây chính theo chiều ngược nhau. Phần lõi thừa bạn có thể dùng kéo để cắt bớt.
  • Cuối cùng kiểm tra mối nối xem có chắc chắn chưa và quấn keo cách điện lại.

Nối dây bằng ốc vít

Cách nối dây bằng ốc vít thường dùng để nối đầu dây dẫn với các thiết bị điện như chuôi đèn, ổ cắm, phích cắm,… Để nối dây bằng ốc vít, bạn thực hiện các bước sau:

  • Trước tiên bạn cần tuốt vỏ cách điện của đầu dây nối khoảng 3cm, đối với các dây có lõi nhỏ bạn cần tuốt dài hơn và gập đôi lõi lại.
  • Sau đó, bạn xoắn lõi lại với nhau và cho vào lỗ vít, dùng tua vít vặn ốc lại. Bạn chỉ nên vặn vừa tay, nếu siết quá chặt sẽ làm đứt lõi và khiến dây nhanh hỏng.

Nối dây bằng ốc vít

4. Những lưu ý quan trọng khi đấu nối dây điện

Để đảm bảo an toàn khi đấu nối dây điện, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Cần ngắt nguồn điện hoặc sử dụng các dụng cụ cách điện để đảm bảo an toàn khi đấu nối dây điện.
  • Lựa chọn dây điện còn nguyên vỏ cách điện, không quá cũ. Dây điện phải có tiết diện và trọng lượng phù hợp để đảm bảo việc truyền tải điện cho các thiết bị.
  • Cần rà soát vị trí nối, đầu dây nối có chính xác chưa.
  • Tìm vị trí lắp đặt dây thông thoáng, ít vật cản và người qua lại gây ảnh hưởng đến việc nối dây và lắp đặt.
  • Sau khi nối dây điện xong, cần phải kiểm tra lõi dây có bị nhô ra quá nhiều gây mất thẩm mỹ hay không. Sau đó kiểm tra độ chắc của mối nối và dùng bút thử điện, đồng hồ vạn năng để xem nó có hoạt động tốt hay không.
  • Sau khi nối dây, hãy tiến hành bảo vệ mối nối bằng băng keo cách điện để bảo đảm an toàn lao động, tránh cháy nổ.
Kiểm tra tính thẩm mỹ và độ bền chắc của mối nối
Trên đây là bài viết hướng dẫn bạn các cách nối dây điện an toàn, đúng kỹ thuật ngay tại nhà. Chúc các bạn thực hiện thành công! 

Nên hay không nên sao chép thẻ từ thang máy chung cư

Thẻ từ ra vào căn hộ, thang máy của chung cư bị giới hạn số lượng nên nhiều cư dân sao chép thêm từ dịch vụ bên ngoài. Việc này tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh.

Ảnh minh họa

Có thể thấy từ khóa tìm kiếm cụm từ “dịch vụ sao chép thẻ từ thang máy” trên Google hiện ra hơn 18 triệu kết quả trả về hoặc cư dân đăng trong những nhóm chung cư được nhiều người tìm hỏi và trao đổi sôi nổi. Điều đó chứng tỏ dịch vụ này đang rất được sự quan tâm.

Đa phần dựa vào diện tích sử dụng, Ban quản lý chung cư sẽ chỉ cung cấp cho mỗi căn hộ 2 – 4 thẻ từ ra vào thang máy và lên tầng. Trong quá trình sinh sống, cư dân có thể lỡ làm mất hoặc cho người khác mượn thẻ từ, mỗi lần người nhà muốn vào căn hộ đều phải “cầu cứu” bảo vệ hoặc ban quản lý nên không tránh khỏi phiền hà.

Vì vậy sau khi làm mất thẻ từ, đa phần cư dân liên hệ Ban quản lý để nhờ cấp mới. Một số chọn sao chép thẻ từ dịch vụ bên ngoài vì tính tiện lợi. Việc này dẫn đến những hệ lụy về an ninh chung của cả chung cư.

Sao chép thẻ từ dễ dàng

Việc sao chép thẻ từ thang máy mang lại sự tiện lợi, chỉ mất vài chục nghìn người ta có thể sao chép được chiếc thẻ có thể qua mặt đầu đọc kiểm soát. Có dịch vụ làm thẻ còn đến tận nơi hoặc miễn phí giao hàng cho những ai cần. Cư dân cũng có thể đặt đủ loại thẻ từ trên các trang mạng khác.

Việc này có thể giúp cư dân tránh tình trạng quên hoặc mất thẻ mà không sử dụng được thang máy. Nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề, có người lợi dụng điều đó để trà trộn, xâm nhập trái phép. Đặc biệt, một số chung cư tích hợp thẻ thang máy và thẻ xe là một, nếu sao chép thì hoàn toàn có thể xảy ra mất cắp tài sản.

Ban quản lý Chung cư nên siết chặt bảo mật

Sao chép thẻ từ hiện đang diễn ra khá phổ biến. Vậy việc sao chép thẻ từ này có ảnh hưởng gì đến công tác quản lý an ninh? Câu trả lời là có, rất ảnh hưởng là đằng khác. Có khác gì đâu nếu như vào một ngày đẹp trời có người xa lạ cầm chìa khóa mở cửa nhà bạn và ra vào tự do, thoải mái. Vậy lắp đặt kiểm soát làm gì?

Ảnh minh họa

Ở các chung cư hiện nay, mỗi thẻ từ ra vào tầng có căn hộ hay lên xuống thang máy của cư dân sẽ có một mã số định danh riêng, bao gồm mã căn hộ và thông tin cá nhân của chủ sở hữu. Có nơi, thẻ thang máy cũng được tích hợp cùng thẻ xe.

Vì bảo mật, Bản quản lý các chung cư không chủ trương “chép” nhiều thẻ từ cho cư dân. Khi cư dân làm mất thẻ phải báo mã số định danh trên thẻ, để đội ngũ kỹ thuật hủy thẻ đó trên hệ thống rồi mới cấp lại thẻ khác.

Ngoài ra, Ban quản lý các chung cư đều đưa ra khuyến cáo cư dân không tự ý sao chép thẻ từ thang máy từ dịch vụ ở bên ngoài hoặc tự tiện cho người lạ mượn thẻ từ. Vì việc sao chép thẻ từ sẽ gây cản trở đối với công tác quản lý tòa nhà hay các phòng ban quản lý bãi gửi xe đồng thời tạo cảm giác không an toàn đối với những người sử dụng. Vì vậy cư dân nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có sao chép thẻ hay không.

 

Quản lý vận hành chung cư, Quản lý bất động sản, Property Management, Quản lý chung cư